Trên hành trình luyện tập, nhiều yogi thường chỉ tập trung vào các tư thế (asana), hơi thở (pranayama) hay thiền định (dhyana) mà vô tình quên đi một phần cũng quan trọng không kém – Đó là các triết lý yoga. Những triết lí này được xem là nền tảng tinh thần, là kim chỉ nam giúp người tập hướng đến sự tỉnh thức, tự do nội tâm và sống hài hòa với thế giới xung quanh. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, bài viết dưới đây, TPY sẽ cùng bạn khám phá sâu hơn, nắm vững các triết lý để phát triển toàn diện về mọi mặt.
Nguồn gốc của triết lý Yoga
Để hiểu rõ hơn về các triết lý Yoga, hãy cùng nhau quay lại với cội nguồn – nơi mà các tư tưởng, giáo lý và phương pháp thực hành đã hình thành và phát triển qua hơn hàng ngàn năm. Đây cũng chính là gốc rễ nuôi dưỡng tinh thần Yoga mà chúng ta đang biết đến.

Sự xuất hiện của Yoga
Yoga được biết đến không chỉ là một bộ môn thể dục hay một xu hướng sống. Trên thực tế, nó là một hệ thống triết học cổ xưa có lịch sử phát triển hàng ngàn năm, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Theo nhiều học giả, những dấu tích đầu tiên của bộ môn này được tìm thấy từ thời kỳ văn minh sông Ấn (cách đây khoảng 3000 năm TCN) thông qua những hình vẽ tư thế thiền định trên các bức phù điêu cổ.

Có lịch sử phát triển từ sớm, nền tảng triết học chính thức của Yoga lại được thể hiện rõ nét trong các văn bản cổ như:
- Kinh Veda: Bộ kinh thiêng liêng của người Ấn, đây là nơi đầu tiên đề cập đến khái niệm “Yoga” và xem nó như một con đường hợp nhất giữa con người và vũ trụ.
- Upanishad: trong phần này, việc phát triển tư tưởng Yoga theo khuynh hướng triết học và huyền học có phần sâu sắc hơn.
- Bhagavad Gita: Bộ văn bản nổi tiếng chuyên bàn luận về Yoga như là hành động (Karma Yoga), tình yêu (Bhakti Yoga), và tri thức (Jnana Yoga).
- Yoga Sutra của Patanjali: Hệ thống hóa Yoga thành 8 nhánh (Ashtanga Yoga), đây được xem là tài liệu mang tính nền tảng nhất trong việc thực hành và tư duy Yoga hiện đại.
Nền tảng triết học Yoga
Các triết lý Yoga được cho là sự hòa quyện giữa nhiều trường phái tư tưởng của Ấn Độ cổ đại, trong đó ảnh hưởng rõ rệt nhất có thể kể tới từ:
- Sankhya: Đây là một hệ thống triết học nhị nguyên, trong đó phân biệt rõ giữa tâm thức (Purusha) và vật chất (Prakriti).
- Vedanta: Phần này nói về sự hợp nhất giữa linh hồn cá nhân (Atman) và linh hồn vũ trụ (Brahman).
- Tantra: Tập trung vào việc khai mở năng lượng bên trong, đặc biệt là qua hệ thống các luân xa.

Nhìn chung giữa các trường phái này đều có điểm chung là đề cao sự tự nhận thức, giải phóng con người khỏi khổ đau và đưa họ trở về với bản chất tinh khiết bên trong mỗi người.
Tầm quan trọng của hệ thống các triết lý Yoga
Hiểu đơn giản như thế này nhé! Bạn có thể tập được các tư thế phức tạp, có thể giữ thăng bằng trong nhiều phút, hoặc thậm chí bạn có thể kiểm soát hơi thở một cách điêu luyện. Tuy nhiên, mọi thứ bạn làm được sẽ trở thành vô nghĩa thậm chí phản tác dụng đi kèm cái tôi cá nhân ngày một lớn nếu bạn không hiểu và sống theo triết lý yoga. Có thể nói, những triết lý trong yoga đóng vai trò giúp:
- Định hướng nội tâm: Triết lý giúp người tập hiểu rõ mục tiêu thật sự của Yoga không chỉ ở việc tăng cường sức khỏe mà là sự tỉnh thức, giải phóng khỏi mọi khổ đau, sống với tâm an.
- Xây dựng nền tảng đạo đức: Bước vào Yoga gạt bỏ mọi sự cạnh tranh, hơn thua. Các triết lý sẽ giúp người tập hiểu rõ để rèn luyện trong sự khiêm nhường, chánh niệm.
- Ứng dụng vào đời sống: Không chỉ trên thảm tập, những nguyên lý đạo đức còn giúp con người sống tốt hơn với chính mình và cộng đồng.
- Giúp hành trình tu tập sâu sắc hơn: Khi có nền tảng triết lý vững chắc, người tập sẽ cảm nhận được sự thay đổi từ bên trong, không chỉ về hình thể mà cả về tâm hồn.

Đó là những điều mà những triết lý yoga mang lại cho Yogi. Sự tiếp thu và phát huy không bao giờ là thừa!
5 triết lý cốt lõi của Yoga
Giữa ngàn lời dạy và vạn tư tưởng sâu sắc trong Yoga được đúc kết, có 5 nguyên lý cốt lõi được xem như nền móng vững chắc giúp cho mỗi Yogi tự mình xây dựng cuộc sống tỉnh thức, yêu thương và có chiều sâu tâm linh. Yogi có biết 5 điều đó là gì không? Hãy cùng tìm hiểu từng triết lý Yoga một và nghiệm ra ý nghĩa cũng như ứng dụng thực tế của chúng nhé.
Sati – Sống tỉnh thức
Sati – Hay còn gọi là mindfulness trong tiếng Anh, đây là trạng thái nhận biết rõ ràng từng khoảnh khắc trong hiện tại và cũng là nền tảng quan trọng nhất trong hành trình tu tập của một Yogi.
“Sống tỉnh thức là nhận biết được từng hơi thở, từng chuyển động, từng suy nghĩ mà không phán xét.”

Khi nắm vững và tỉnh thức được Sati, bạn:
- Không bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực hay lo âu.
- Biết trân trọng hiện tại thay vì tiếc nuối quá khứ hay lo sợ tương lai.
- Nhận diện được thói quen xấu, hành vi vô thức để tự mình điều chỉnh.
Trong thực hành Yoga, tỉnh thức sẽ giúp bạn có thể kết nối sâu sắc với cơ thể, tránh được những chấn thương không đáng có và góp phần tạo nên một không gian nội tâm tĩnh lặng.
Ahimsa – Bất bạo động
Ahimsa là nguyên tắc đầu tiên trong hệ thống đạo đức Yama (5 giới cấm) theo Yoga Sutra của Patanjali. Nó có nghĩa là không gây hại – ý nghĩa không chỉ về mặt thể chất, mà còn cả lời nói và suy nghĩ.
Việc thực hành Ahimsa bao gồm:
- Không vì lợi ích cá nhân làm tổn thương người khác.
- Không nói lời làm tổn thương lòng tự trọng của ai đó.
- Không tự phán xét, chỉ trích bản thân quá mức.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, Ahimsa còn có thể được hiểu nghĩa là sống xanh, sống thân thiện với môi trường, yogi sẽ giảm tiêu thụ những gì gây hại đến sinh vật khác.
Satya – Sống chân thật
Satya nghĩa là sự thật. Trong triết lý Yoga, sống chân thật không chỉ là nói những lời thật, mà còn là sự thành thật với chính mình, không sống giả tạo hay cố làm vừa lòng bất kì ai.
Satya khuyến khích con người:
- Thể hiện cảm xúc một cách chân thành, không lừa dối.
- Tự nhìn nhận điểm yếu, sai lầm của bản thân và học cách chấp nhận chúng.
- Biết nói “không” khi cần thiết để bảo vệ sự thật nội tâm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng Satya luôn phải đi kèm với Ahimsa. Hãy nghĩ xem, nếu một sự thật đi kèm với việc gây tổn thương, thì việc càn làm là học cách truyền tải nó với tình thương và lòng từ bi sẽ giúp người nghe cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Tapas – Sống kỷ luật, tự giác
Tapas được hiểu là nguồn năng lượng nội tâm, nó giúp ta vượt qua sự lười biếng, trì hoãn trong tâm trí để duy trì sự kỷ luật và sự nỗ lực liên tục.
Trong Yoga, Tapas thể hiện trong:
- Việc duy trì, kiên trì tập luyện, không bỏ cuộc.
- Rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh, ngủ đúng giờ.
- Dũng cảm đối diện với nỗi sợ, vượt qua vùng an toàn của bản thân.
Bạn phải hiểu rằng Tapas không phải là ép buộc hay cực đoan. Nó giống như ngọn lửa bên trong mỗi con người, nó giúp ta tiến bộ từng chút mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Aparigraha – Sống buông bỏ
Aparigraha là nguyên lý cuối cùng trong Yama, nó mang ý nghĩa không tham lam, không bám chấp, và buông bỏ những gì được cho là không còn phù hợp.
Việc bạn thực hành Aparigraha sẽ giúp:
- Giải phóng tâm trí khỏi sự sở hữu vật chất.
- Chấp nhận sự thay đổi, không dính mắc vào kết quả.
- Buông bỏ mối quan hệ, cảm xúc hay niềm tin cũ không còn phù hợp.
Trong một thế giới hiện đại đầy cám dỗ, Aparigraha mang ý nghĩa như lời nhắc nhở quý giá giúp ta quay về sống tối giản, biết đủ và an nhiên.
Ứng dụng triết lý yoga trong cuộc sống hiện đại
Dù được hình thành rất lâu từ thời cổ đại, triết lý Yoga vẫn có những giá trị vượt thời gian. Khi bạn biết cách và ứng dụng khéo léo những nguyên lý này vào đời sống thường ngày, bản thân bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi từ bên trong – bạn sẽ sống an nhiên hơn giữa bộn bề áp lực công việc cũng như thoải mái hơn trong các mối quan hệ và cả chính bản thân mình. Cụ thể hơn:
- Quản lý stress hiệu quả: Việc thực hành Sati và Ahimsa giúp bản thân không bị cuốn vào vòng xoáy áp lực, nắm vững những triết lý này, bạn có thể giữ bình tĩnh để xử lý mọi việc trong mọi tình huống.
- Cân bằng công việc và đời sống: Tapas là cách giúp bạn duy trì động lực, còn Aparigraha nhắc nhở chúng ta không nên bị ám ảnh bởi những thứ như danh vọng hay vật chất.
- Cải thiện các mối quan hệ: Satya và Ahimsa giúp chúng ta giao tiếp chân thành, nền tảng giúp tạo dựng kết nối bền vững với người thân, đồng nghiệp.
- Đặt mục tiêu sống: Triết lý Yoga là chiếc la bàn hướng nội, giúp yogi hiểu rõ giá trị sống và tìm ra con đường phù hợp với chính mình.

Không cần bạn phải là người Ấn Độ hay sống trong môi trường tu tập thì mới phải thực hành triết lý Yoga. Chỉ cần bạn nhận thức và ứng dụng được những giá trị cốt lõi của triết lý vào từng hành động nhỏ mỗi ngày, cuộc sống bạn sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn rất nhiều. Hãy thử và cho TPY biết cảm nhận nhé
Kết luận
Được xem như linh hồn của cả một hành trình luyện tập và tu tập. Triết lý Yoga không chỉ là lý thuyết mà là kim chỉ nam để mỗi Yogi sống đúng đắn, tỉnh thức và hướng đến sự tự do trong nội tâm. Một khi đã nắm vững và áp dụng những triết lý như Sati, Ahimsa, Satya, Tapas và Aparigraha,… bạn sẽ không chỉ giỏi các tư thế mà cuộc sống của bạn sẽ có chiều sâu, có đạo đức và có một tầm ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.
Hãy nhớ rằng, Yoga không nằm trên tấm thảm – Yoga là cách bạn sống mỗi ngày. Tham gia khóa đào tạo HLV Hatha tại TPY – Bạn sẽ được học mọi thứ. Hẹn gặp lại!